GIỚI THIỆU VỊ TRÍ HƯỚNG NHÌN TIỆN ÍCH MẶT BẰNG TIN TỨC VIDEO HÌNH ẢNH HOÀN THIỆN LIÊN HỆ
Online: 649 | Truy cập: 63911887
Hotline: 1900 6958
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT THÔNG TIN

Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông?

Ngày đăng: 28/02/2017 | Số lượt đọc: 237658
 
  16 lượt thích
Đó là một trong những nội dung được đặt ra trong buổi lễ phát động diễn đàn “Văn hóa giao thông” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 26-2.


 


Diễn đàn Văn hoá giao thông tại báo Tuổi Trẻ sáng 26-2

 

Đại diện nhiều cơ quan như Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Sở GTVT TP.HCM, Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC67) Công an TP.HCM… cùng tham dự diễn đàn.

Theo ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là tình trạng kẹt xe tại các TP lớn.

"Chúng ta không dừng lại ở việc giải quyết kẹt xe mà mục tiêu lâu dài là tìm kiếm các giải pháp xây dựng văn hóa giao thông. Đây là chuyện mà nhiều quốc gia trên thế giới làm được, tại sao chúng ta không làm được?", ông Trung đặt vấn đề.

 


Ông Lê Xuân Trung - Phó TBT báo Tuổi Trẻ (bìa phải) trao hoa cho các khách mời tham gia diễn đàn

 

Chuẩn văn hóa giao thông là luật

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết văn hóa đầu tiên phải là cái chuẩn và cái chuẩn về văn hóa giao thông phải được quy định trong luật.

Chẳng hạn luật quy định xe nào được ưu tiên, xe nào không được ưu tiên, đâu là hành vi không được phép, mức xử phạt như thế nào?...

Văn hóa giao thông cũng phải chuẩn về hành vi và chuẩn về hạ tầng. Chẳng hạn trên một tuyến đường sau khi nghiên cứu khoa học, có phân làn, nơi cấm đậu đỗ xe… thì được xem là cái chuẩn về hạ tầng.

Rồi đến cái chuẩn về thực thi pháp luật như trong quá trình thực thi nhiệm vụ, CSGT phải làm theo quy định trình tự thủ tục ra sao? Văn hóa giao thông phải có yếu tố chuẩn cho Nhà nước và chuẩn cho người dân.

“Thường khi nói đến văn hóa giao thông, chúng ta hay nói đến dân là chính. Mà chúng ta ít khi nói đến phía những người thực thi công vụ”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

 


Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch UB ATGT quốc gia phát biểu tại diễn đàn

 

Theo ông Khuất Việt Hùng, đánh giá về văn hóa giao thông còn có yếu tố môi trường. Chẳng hạn một người tham gia giao thông đi sai luật thì chúng ta đã có môi trường đúng chuẩn cho người dân đi hay chưa?

“Ví dụ, muốn người ta đi bộ qua đường phải có vạch dừng, mạnh hơn là phải có tín hiệu. Như hôm nay chúng tôi đi bộ qua đường tại vạch cho phép nhưng dòng xe cứ chạy và không ai để ý có người đi bộ. Tôi có quan sát thì vạch giành cho người đi bộ còn mờ…”, ông Hùng nói.

 


Đại biểu tham gia diễn đàn Văn hoá giao thông sáng 26-2 - Ảnh: HỮU KHOA

 

Những tiêu chí về văn hóa giao thông

Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết văn hóa giao thông rất rộng nhưng theo tiêu chí được thảo luật năm 2013 có 9 vấn đề.

Cụ thể: Phải tự giác chấp hành pháp luật giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong, chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định;

Không tham gia đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật về xư lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông; Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực an toàn; Có ý thức xây dựng văn hóa môi trường giao thông thân thiện.

 


Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc sở GTVT TP.HCM phát biểu - Ảnh: HỮU KHOA

 

Theo ông Bùi Xuân Cường, 9 tiêu chí bao gồm 5 nhóm người liên quan như nhóm cơ quan quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng, nhóm CSGT thực hiện pháp luật, nhóm người tham gia giao thông, nhóm không tham gia giao thông là cư dân sinh sống ven đường, nhóm điều hành các phương tiện giao thông.

"Trong đó có hai tiêu chí tôi muốn nhấn mạnh trong xây dựng văn hóa giao thông là tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực an toàn và thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong, chuẩn mực, văn minh".

"Nói nôm na theo triết học ở chỗ “vật chất quyết định ý thức” thì nhiều người lý luận khi vỉa hè bị chiếm dụng, đường xấu, tổ chức giao thông còn hạn chế… mà các anh cứ bắt chúng tôi phải thực hiện đúng là sao?”, ông Bùi Xuân Cường nói.

Phải thượng tôn pháp luật

Theo đại úy Trần Thị Hồng Nhung, phó đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ đường sắt (PC67 Công an TP.HCM), ý thức tham gia giao thông, văn hóa giao thông kém là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông tại TP.HCM.

Thời gian qua, lực lượng CSGT thường xuyên tuyên truyền cho nhiều người dân mà đặc biệt là học sinh sinh viên. Thực tế quan sát trên đường thì rất nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành, chỉ số ít chen chút nhau lấn làn, vượt lên trên chứ không phải ai cũng ý thức kém.

Ông Bùi Xuân Cường, cho rằng việc xây dựng văn hóa phải đồng bộ, chẳng hạn như đô thị mới thì được chuẩn hóa ngay từ đầu, còn các cơ sở hạ tầng cũ phải được nâng cấp, mở rộng, quy hoạch cho phù hợp theo đặc thù của TP.HCM.

Hiện TP đang xây dựng chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, khi đó việc chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật sẽ hình thành văn hóa giao thông. Và không phải thích thì sẽ có văn hóa mà nó là một quá trình lâu dài.

Ông Bùi Xuân Cường cũng chia sẻ, trong thời gian qua sở đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng… Đồng thời xây dựng hình ảnh những người thực thi nhiệm vụ phải gương mẫu, công, chính, liêm, minh cho người dân thấy và tất cả phải thượng tôn pháp luật.

Ông Khuất Việt Hùng đề nghị những việc xử phạt như vậy, CSGT phải đưa hình ảnh lên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe.

Đồng thời nhắc nhở lực lượng CSGT nên tập trung xử phạt những lỗi vi phạm mà người dân thường xem nhẹ nhưng dễ hình thành thói quen xấu như không nhường đường ưu tiên, không tôn trọng vạch dành cho người đi bộ…

 

Ra mắt cẩm nang văn hóa giao thông

 


Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp

 

Sau lễ phát động, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên các thông tin, bài viết, hình ảnh, video clip về việc xây dựng văn hóa giao thông đô thị trên các ấn phẩm, báo điện tử và kênh truyền hình Tuổi Trẻ.

Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được nhiều ý kiến, hình ảnh, video clip  đóng góp, hiến kế, phản biện của bạn đọc trong và ngoài nước liên quan đến nội dung trên. Mọi Tin bài, thông tin liên hệ xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Báo Tuổi Trẻ và các cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện một Cẩm nang Văn hóa giao thông đô thị trong thới gian tới. Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho biết cẩm nang dự kiến sẽ có những tình huống, giải pháp ứng xử trong một số tình huống giao thông thường gặp, sơ đồ các phương tiện giao thông công cộng, các quy định pháp luật cơ bản, mới nhất về giao thông, tranh biếm họa, bài viết, hình ảnh đặc sắc liên quan đến văn hóa giao thông…

Cẩm nang sẽ được dành để tặng cho học sinh, sinh viên.

Theo Báo Tuổi Trẻ

 
  16 lượt thích
Xin chân thành cám ơn Quý khách đã quan tâm đến dự án CITIZEN.TS. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi, hoặc để lại thông tin theo mẫu bên dưới. Chúng tôi sẽ hồi âm trong thời gian sớm nhất.
Đồng ý chính sách bảo mật thông tin. Đăng ký