GIỚI THIỆU VỊ TRÍ HƯỚNG NHÌN TIỆN ÍCH MẶT BẰNG TIN TỨC VIDEO HÌNH ẢNH HOÀN THIỆN LIÊN HỆ
Online: 297 | Truy cập: 57765609
Hotline: 1900 6958
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT THÔNG TIN

Khám bệnh, phát thuốc cho hơn 1.000 người nghèo ở Hoài Nhơn

Ngày đăng: 06/09/2017 | Số lượt đọc: 205069
 
  16 lượt thích

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2017), mới đây, Bệnh viện Quận 2 TP Hồ Chí Minh, Hưng Thịnh Corp và một số Mạnh Thường Quân trong Hội đồng hương Hoài Nhơn tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho các gia đình chính sách, khó khăn tại huyện Hoài Nhơn.
 



Các bác sĩ trong đoàn khám bệnh cho người dân ở huyện Hoài Nhơn.



Tại 2 điểm khám ở xã Tam Quan Nam và xã Hoài Phú, đoàn đã khám, phát thuốc, tặng quà cho hơn 1.000 người thuộc các xã trong huyện. Tổng giá trị thuốc và quà hơn 300 triệu đồng.
 

Sau đó đoàn dâng hương và dâng hoa ở Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi, đền thờ Đào Duy Từ và Đền thờ liệt sỹ huyện Hoài Nhơn.


Những cái bắt tay, ánh mắt trìu mến của 1.000 bà con dành cho đoàn bác sĩ Sài Gòn đã xua đi cái nóng mùa hè oi bức. Nghĩa tình đó, ngọt hơn nước dừa Tam Quan.         
                              

Thay vì dành những ngày cuối tuần bên gia đình, đặc biệt dịp lễ 2/9 đang kéo dài ngày; đoàn xe khám bệnh từ thiện của các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 TP.HCM cùng Hội đồng hương tỉnh Bình Định lại "lăn bánh" đến với bà con nghèo.
 

Còn 30 phút nữa mới đến giờ khám nhưng khoảng sân của Trung tâm Y tế xã Tam Quan (tỉnh Bình Định) đã kín người.
 


Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nổi tiếng với giống dừa Tam Quan ngọt cái ngon cơm,
nhưng cũng còn nhiều nỗi lo về hạn hán, lũ lụt.


Tính chịu thương, chịu khó của người dân bao đời vẫn phải chật vật với thời tiết thất thường, điều kiện vật chất khó khăn, bệnh tật cũng phải… tự đến, tự hết.
 

Trong 1.000 bà con đến khám, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau về thể xác, bệnh già, tàn tật, tai biến, thậm chí những vết thương bom đạn để lại cũng liên tục hoành hành.
 


Hầu hết người bệnh đều đã lớn tuổi, bệnh viện ở xa, chi phí hạn hẹp nên rất mừng
khi biết đoàn bác sĩ từ Sài Gòn về phục vụ bà con.


Người dân tai đây sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề biển,...Cuộc sống còn nhiều khó khăn với mức thu nhập chỉ khoảng 35 triệu/người/năm. Bệnh viện xa nơi ở, người dân xã Tam Quan Nam, xã Hoài Phú và những xã lân cận khác thường ngồi nhà chịu đựng, đến khi nào bệnh nặng mới đi thăm khám, chữa bệnh, lúc đó đã quá muộn.
 

Như ông Nguyễn Để (88 tuổi, ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) bị xuất huyết tiêu hóa hơn 5 lần, trong đó 2 lần ông đi tiêu ra máu xối xả, người nhà phải chạy xe hơn 30 cây số đưa ông đến bệnh viện ở thị trán Bồng Sơn để cấp cứu. Cấp cứu xong ông lại về nhà vì… hết tiền, cả nhà làm ruộng phải cử ra một người để chăm sóc cho ông, phòng khi bệnh tái phát.
 


Ông Nguyễn Để bị xuất huyết tiêu hóa nặng, ông đến từ rất sớm để được khám bệnh.


Anh Nguyễn Văn Được (con trai ông Để) nói: “Có lần tôi nghĩ đã không cứu được cha, ông bị xuất huyết quá nặng cả nhà phải chia ra, chạy xe sáng đêm đưa ông từ trung tâm y tế xã, đến các bệnh viện mà nơi nào cũng không còn máu để truyền. May mắn khi ông nguy kịch, chúng tôi cũng đưa được đến bệnh viện cách nhà 50 cây số. Hôm nay nghe có đoàn bác sĩ về quê, tôi đưa cha đến khám lại, ở đây rất ít đoàn bác sĩ tới được vì nó xa quá”.
 

Trên hành lang của nơi khám bệnh, người đàn ông bị liệt nửa người bên trái chốc chốc lại la lớn với những từ ngữ không rõ ràng, tay phải nắm lấy thanh sắt phía trước mặt kéo qua kéo lại. Dù cố nắm chặt thanh sắt đến đâu, thỉnh hoảng ông cũng bị rơi khỏi ghế, té ngã xuống nền nhà. Người phụ nữ phía sau bất ngờ không đỡ kịp, đành dìu ông lên ghế rồi âm thầm rơi nước mắt.
 


Được biết, người đàn ông đó là ông Trần Hoan (64 tuổi), cha của chị Trần Thị Tuyên (39 tuổi)
bị tai biến mạch máu não đã 10 năm, không có tiền đi bệnh viện tái khám khiến bệnh của ông Hoan càng thêm nặng,
ông có biểu hiện sa sút trí tuệ và nhiều vấn đề về thần kinh.


Ông Hoan dễ nổi nóng với bất kỳ ai đến gần, nhiều lần trong người khó chịu, ông cầm được vật gì đều ném về phía chị Tuyên.
 

Cha già yếu, mẹ cũng bệnh tật triền miên, phận làm con ai lại trách cha mình. Có thể cha tôi không đi lại được nên bực bội. Nhà neo người, ông lại bị liệt không ngồi xe được, mỗi lần muốn đi khám bệnh phải chạy xe máy hơn 25 cây số, tôi đành chạy ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau, an thần cho cha lướt bệnh. Nhiều đêm ông đau quá, la lớn, cả mẹ con, bà cháu đều không ngủ được, càng thấy xót xa hơn”, chị Tuyên nghẹn ngào.
 


Xin thăm khám với sợi dây truyền trực tiếp nước tiểu từ cơ thể ra ngoài,
ông Nguyễn Láo (93 tuổi) gầy gò, đau đớn vì bị tắt nghẽn đường tiết niệu.
Theo ông Láo,ông phải mổ cách đây vài tháng vì bác sĩ nói không chữa được.


Điều này khiến ông gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nhất là gần đây, do làm việc nên ông bị viêm nhiễm vết thương, thêm phần thận trái bị ứ nước khiến ông sống rất mệt mỏi.
 

Ông nói: “Tôi ước gì mình có tiền để đi khám, chữa trị cho xong, chứ sống với sợi dây lòng thòng mệt lắm. Khổ sở nhất là mỗi lần đau lại không có tiền mua thuốc, lúc nào đau tôi cũng muốn chết cho xong, may mà có đoàn bác sĩ đến thăm xã, tôi có thêm vài viên thuốc cầm cự qua cơn đau”.
 


Nhiều người bị ngã, bị đau, sốt,... liên tục nhưng vẫn cố gắng lướt bệnh hoặc mua thuốc giảm đau uống qua ngày.


Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM cũng là người con Bình Định về huyện Hoài Nhơn thăm khám cho bà con của mình, xúc động: “Được về lại quê hương khám bệnh cho bà con của mình chính là niềm hạnh phúc.
 

Tôi xin cảm ơn những đồng nghiệp ở Bệnh viện Quận 2, các mạnh thường quân, cũng như Hội đồng hương tỉnh Bình Định đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi nghĩa tình này. Mong rằng thời gian tới, chúng tôi lại có dịp về đây, góp một ít công sức để bà con đỡ nhọc nhằn, giảm đi phần nào nỗi lo về bệnh tật”.
 

Qua các cuộc chuyện trò, khám chữa bệnh, ai cũng nhận thấy rằng, theo thời gian, mọi thứ có quá nhiều thay đổi, nhưng tình người vẫn vậy, càng đi xa, càng ngọt ngào, ngọt hơn cả nước dừa Tam Quan, ngọt lịm cả quê nghèo.
 

Theo Báo Bình Định Online và Báo Phụ Nữ Online

Nguồn trích dẫn:

- http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=6&mabb=86643

- http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/tinh-nguoi-ngot-hon-nuoc-dua-tam-quan-108994/

 
  16 lượt thích
Xin chân thành cám ơn Quý khách đã quan tâm đến dự án CITIZEN.TS. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi, hoặc để lại thông tin theo mẫu bên dưới. Chúng tôi sẽ hồi âm trong thời gian sớm nhất.
Đồng ý chính sách bảo mật thông tin. Đăng ký